Mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH quy định danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Với danh mục này, hàng chục nghề học trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng của trường Cao đẳng Hàng hải I đã được "điểm danh".
Thông tư 05 được áp dụng đối với các khóa học tuyển sinh và tổ chức đào tạo từ ngày 30.7, là thời điểm thông tư có hiệu lực.
Thông tư 05 được ban hành thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH (được ban hành ngày 29.12.2017). Việc thực hiện quy định trong giáo dục nghề nghiệp đối với người học ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng các khóa tuyển sinh và tổ chức đào tạo trước thời điểm Thông tư 05 có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Thông tư 36 cho đến khi kết thúc khóa học.
Được biết, Thông tư 36 ban hành danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với 117 ngành, nghề ở trình độ trung cấp và 84 ngành, nghề trình độ cao đẳng. Sau 5 năm thực hiện Thông tư 36, có nhiều ý kiến cho rằng cần cập nhật, bổ sung danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cho phù hợp với điều kiện thực tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay.
Năm 2020, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã ban hành Thông tư số 11 ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thay thế các văn bản đã ban hành trước đó. Thông tư 11 đã bổ sung thêm nhiều lĩnh vực, ngành nghề và công việc có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm liên quan đến các lĩnh vực ngành, nghề học trong giáo dục nghề nghiệp.
Vì thế, Thông tư 05 cũng đã cập nhật, bổ sung ngành nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, phù hợp với nội dung Thông tư 11. So với Thông tư 36, Thông tư 05 đã bổ sung 86 ngành, nghề trình độ trung cấp, 62 ngành, nghề trình độ cao đẳng.
Theo TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH, việc ban hành Thông tư 05 căn cứ để người học và người dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước khi học tập và giảng dạy những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật, qua đó thu hút người học vào học những ngành nghề này, góp phần giảm thiểu sự bất cập về cơ cấu ngành, nghề đào tạo.
Nguyên tắc xác định ngành, nghề học nào là nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, là những ngành nghề học khi có thời gian thực hành, thực tập nghề nghiệp trong chương trình đào tạo có liên quan đến các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chiếm trên 50% so với tổng thời lượng của chương trình đào tạo của ngành, nghề đó.