THÔNG TIN LIÊN HỆ
Phòng đào tạo
Điện thoại: 0313.766739
Hotline: 0981.3444.88
Email: pdt@cdhh.edu.vn
Thư viện ảnh

Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp

1. Điều khiển tàu biển

- Mô tả ngành/ nghề: Là nghề vận hành và sử dụng tất cả các hệ thống, trang thiết bị trên tàu, thiết bị hỗ trợ hàng hải, các Bộ luật liên quan ngành Điều khiển tàu biển cũng như các quy định của Việt Nam và Quốc tế nhằm đảm bảo an toàn cho tàu, người và hàng hoá, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường biển trong suốt quá trình hoạt động.

- Vị trí việc làm sau tốt nghiệp: Sau khi tốt nghiệp người học có khả năng trực tiếp làm việc trên tàu biển của các công ty trong và ngoài nước. Được tiếp tục đào tạo, huấn luyện để trở thành sỹ quan vận hành và quản lý boong mức không hạn chế và có thể trở thành giáo viên dạy thực hành nghề Điều khiển tàu biển khi đủ các điều kiện cần thiết như: nghiệp vụ sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn. Người học được học lên trình độ cao hơn.

2. Khai thác máy tàu thủy

- Mô tả ngành/ nghề: Là nghề khai thác các trang thiết bị, máy thuộc hệ động lực con tàu đảm bảo an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường, bao gồm: Khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các thiết bị của hệ động lực chính, hệ động lực phụ và hệ thống phục vụ, hệ thống điện tàu thủy. Thực hiện trực ca buồng máy, xử lý các tình huống nguy cấp; nhận và quản lý vật tư, nhiên liệu.

- Vị trí việc làm sau tốt nghiệp: Người học có khả năng làm việc trên các đội tàu của các công ty vận tải thủy trong nước và Quốc tế, các cơ quan đăng kiểm, công ty dịch vụ dầu khí, cảng vụ, làm cán bộ kỹ thuật tại các công ty vận tải thủy, xí nghiệp, nhà máy công nghiệp. Được tiếp tục đào tạo, huấn luyện để trở thành sỹ quan vận hành và quản lý máy mức không hạn chế và có thể trở thành giáo viên dạy thực hành nghề và được học lên trình độ cao hơn.

3. Điện tàu thuỷ

- Mô tả ngành/ nghề: Là nghề vận hành các trang thiết điện tàu thủy. Kiểm tra, hiệu chỉnh, bảo trì và sửa chữa các hệ thống tự động điện tàu thủy. các thiết bị điện, máy điện và hệ thống điện trên tàu thuỷ theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Thực hiện kiểm tra nghiệm thu sau khi lắp đặt và sửa chữa.

- Vị trí việc làm sau tốt nghiệp: Sau khi tốt nghiệp người học sẽ làm việc trong các công ty vận tải biển, doanh nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thủy theo các chức danh: Sỹ quan Kỹ thuật điện trên tàu biển; Cán bộ kỹ thuật tại công ty kinh doanh thiết bị điện; tại các nhà máy đóng và sửa chữa tàu biển; tại công ty điện lực; quản lý kỹ thuật trong các cơ quan quản lý Nhà nước có sử dụng chuyên môn điện tàu thuỷ và được học lên trình độ cao hơn.

4. Sửa chữa máy tàu thủy

- Mô tả ngành/ nghề: Là một nghề cơ khí nhằm thực hiện những công việc: bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống động lực chính, hệ thống động lực phụ và các hệ thống, thiết bị của hệ thống động lực tàu thủy. Có năng lực tổ chức và điều hành sản xuất theo nhóm.

- Vị trí việc làm sau tốt nghiệp: Sau khi tốt nghiệp người học có khả năng: Làm kỹ thuật viên tại các nhà máy sửa chữa và đóng mới tàu thủy; Lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành các máy, tổ hợp và các hệ thống động lực tàu thủy trong các nhà máy đóng mới và sửa chữa, trên tàu thủy thuộc các công ty vận tải thủy Việt Nam và nước ngoài và được học lên trình độ cao hơn.

5. Công nghệ chế tạo Vỏ tàu thủy

- Mô tả ngành/ nghề: Là một nghề cơ khí nhằm thực hiện những công việc: Phóng dạng tuyến hình tàu thuỷ; Khai triển kết cấu thân tàu và tôn vỏ; Chế tạo dưỡng, bệ khuôn và vẽ thảo đồ; Gia công lắp ráp chi tiết thân tàu và tôn vỏ; Lắp ráp phân đoạn, tổng đoạn; Lắp ráp thân tàu trên triền, thiết bị boong; Hạ thủy tàu.

- Vị trí việc làm sau tốt nghiệp: Sau khi tốt nghiệp người học có thể làm việc tại các nhà máy đóng tàu, các cơ quan quản lý về tàu biển như: Đăng kiểm, Bảo hiểm, Đảm bảo an toàn hàng hải... với các chức danh kỹ thuật viên, giám sát thi công, cán bộ phòng kỹ thuật, kế hoạch, phòng dự án... có thể quản lý tổ, sản xuất trong việc đóng mới và sửa chữa tàu. Được học lên trình độ cao hơn.

6. Hàn

- Mô tả ngành/ nghề: Là nghề trang bị cho người học có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công việc hàn. Người học có thể làm việc tại các nhà máy cơ khí, xưởng gia công lắp ráp các kết cấu, nhà máy đóng tàu, các công ty liên quan đến cơ khí.

- Vị trí việc làm sau tốt nghiệp: Sau khi tốt nghiệp người học có thể làm việc tại một số vị trí sau: Làm thợ hàn, kỹ thuật viên, giám sát kỹ thuật hàn; Làm tổ trưởng, trưởng nhóm; Học liên thông lên đại học; Có thể xuất khẩu sang nước ngoài làm các công việc về hàn và được học lên trình độ cao hơn.

7. Công nghệ ô tô

- Mô tả nghề: Nghề “Công nghệ ô tô” là nghề thực hiện các nhiệm vụ về: bảo dưỡng, sửa chữa động cơ; bảo dưỡng, sửa chữa trang bị điện; bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống truyền lực (gầm ô tô); chuẩn đoán tình trạng kỹ thuật và các pan bệnh của các hệ thống trên ô tô; vận hành, kiểm tra động cơ và ô tô; thực hiện các công việc gia công bổ trợ như hàn điện, hàn hơi, gò, sử dụng các thiết bị nghề nguội….

- Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp: Đảm nhận được các vị trí kỹ thuật viên, quản lý tại các cơ sở lắp ráp ô tô; các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa, bảo hành ô tô; các cơ sở chế tạo phụ tùng ô tô; các cơ sở kinh doanh ô tô và phụ tùng; làm tổ trưởng tổ sản xuất hoặc các phân xưởng tại các nhà máy về lắp ráp, bảo dưỡng ô tô; có khả năng làm việc và giải quyết các công việc một cách chủ động, giao tiếp và phối hợp làm việc theo tổ, nhóm, tổ chức và quản lý quá trình sản xuất. Tự mở cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng ô tô.

8. Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí

- Mô tả nghề: Nghề “Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí” là nghề chuyên lắp đặt, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống máy lạnh và điều hòa không khí như: Hệ thống máy lạnh trong các kho lạnh, hệ thống máy lạnh thương nghiệp, máy kem, máy đá, tủ lạnh; hệ thống điều hòa không khí trung tâm, điều hòa không khí cục bộ… đúng yêu cầu kỹ thuật, đạt năng suất và đảm bảo an toàn.

- Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp: Đảm nhận được vị trí kỹ thuật viên tại các nhà máy chế tạo, lắp ráp  thiết bị máy lạnh, điều hòa không khí; tại các công ty, tập đoàn thi công lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí; tại các cơ sở có trang bị máy lạnh và điều hòa không khí như  siêu thị, trung tâm thương mại, nhà ga. Tự mở cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt thiết bị lạnh.

9. Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm)

- Mô tả ngành/ nghề: Thực hiện các công việc ứng dụng phần mềm tin học để xử lý, vận hành trên một hệ thống công nghệ thông tin để tạo nên thành phẩm là một sản phẩm kỹ thuật số, multimedia(voice/video), một cơ sở dữ liệu hoặc hệ thống các thông tin dưới dạng văn bản và số hóa đúng yêu cầu kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn bảo mật.

- Vị trí việc làm sau tốt nghiệp: Sau khi tốt nghiệp người học sẽ làm việc trong các Công ty phần mềm, lắp đặt thiết bị, quảng cáo, theo các chức danh: Kỹ thuật viên tư vấn và chuyển giao phần mềm ứng dụng, thiết kế phần mềm ứng dụng, quản trị hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu, bảo trì hệ thống máy tính, thiết kế và quản trị website, an toàn - bảo mật thông tin, thiết kế đa phương tiện và được học lên trình độ cao hơn.

10. Lắp ráp hệ động lực tàu thủy

- Mô tả ngành/ nghề: Là nghề lắp đặt các thiết bị động lực chính, thiết bị động lực phụ xuống tàu thủy khi đóng mới, sửa chữa lớn theo yêu cầu kỹ thuật của thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật ngành đóng tàu.

- Vị trí việc làm sau tốt nghiệp: Sau khi tốt nghiệp người học có khả năng: Làm việc được trong các nhà máy đóng tàu thủy và các nhà máy sửa chữa máy tàu thủy ở trong và ngoài nước; Sử dụng thành thạo các thiết bị, dụng cụ, thiết bị để lắp ráp các thiết bị động lực tàu thủy, được học lên trình độ cao hơn.

11. Điện dân dụng

- Mô tả ngành/ nghề: Là nghề vận hành, kiểm tra, hiệu chỉnh các hệ thống điện, bảo dưỡng và sửa chữa các trang thiết bị điện và hệ thống điện dân dụng theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đấu nối, lắp đặt thiết bị điện đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Thực hiện kiểm tra nghiệm thu sau khi lắp đặt và sửa chữa.

- Vị trí việc làm sau tốt nghiệp: Sau khi tốt nghiệp người học sẽ làm được theo các vị trí: Cán bộ kỹ thuật  tại nhà máy, công ty kinh doanh, sản xuất các trang thiết bị điện công nghiệp và dân dụng, quản lý kỹ thuật trong các cơ quan quản lý Nhà nước có sử dụng chuyên môn điện công nghiệp và dân dụng và được học lên trình độ cao hơn.

12. Điện Công nghiệp

- Mô tả ngành/ nghề: Là thực hiện lắp đặt và sửa chữa bảo dưỡng hệ thống cung cấp điện, tủ phân phối điện, máy điện và thiết bị điện trong các xí nghiệp công nghiệp, với các môi trường trong nhà, ngoài trời, mỏ hầm lò, trong điều kiện an toàn lao động.

- Vị trí việc làm sau tốt nghiệp: Sau khi tốt nghiệp người học sẽ làm được theo các vị trí: Nhân viên các Công ty Điện lực: Tổ vận hành và quản lý đường dây, tổ bảo trì và sửa chữa đường dây; Kỹ sư các công ty xây lắp công trình điện; Nhân viên vận hành các trạm truyền tải và phân phối điện năng; Kỹ sư các công ty, xí nghiệp sản xuất công nghiệp và được học lên trình độ cao hơn.

13. Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa

- Mô tả ngành/ nghề: Chuyên ngành Điện tự động công nghiệp là nghề vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các dây chuyển tự động, các trang thiết bị điện và hệ thống điện trong các nhà máy, xí nghiệp theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Cung cấp, thiết kế lắp đặt, sửa chữa và bảo trì các sản phẩm thiết bị điện tự động hóa.

- Vị trí việc làm sau tốt nghiệp: Sau khi tốt nghiệp người học sẽ làm được theo các chức danh: Kỹ thuật viên, công nhân phụ trách vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng các dây chuyền sản xuất tự động trong các nhà máy sản xuất, các xí nghiệp công nghiệp, phụ trách thiết kế, lắp đặt, sửa chữa và bảo trì sản phẩm thiết bị tự động hóa, hỗ trợ khách hàng tại các doanh nghiệp cung cấp thiết bị tự động hóa và được học lên trình độ cao hơn.

 14. Kế toán doanh nghiệp

- Mô tả ngành/ nghề: Là nghề mà người học có đủ khả năng giải quyết các vấn đề chuyên môn kế toán, tổ chức công tác kế toán tại đơn vị, có khả năng học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp. Tạo khả năng ứng dụng và kỹ năng triển khai các công việc thuộc lĩnh vực kế toán doanh nghiệp.

- Vị trí việc làm sau tốt nghiệp: Sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm được tại các vị trí: Chuyên viên kế toán, chuyên gia lập và phân tích kế hoạch tài chính, kiểm toán nội bộ; Quản lý tài chính các dự án, chuyên viên kế toán, lập và phân tích kế hoạch tài chính, kiểm toán Nhà nước, thanh tra kinh tế; Kiểm soát tài chính và được học lên trình độ cao hơn.

15. Khai thác vận tải

- Mô tả ngành/ nghề:  Là nghề mà người học có đủ năng lực: lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm soát hàng hóa đến nơi tiêu thụ; phân tích luồng hàng, xác định nhu cầu khách hàng, qui hoạch trung tâm và quản trị qui trình phân phối; lập kế hoạch và tổ chức kho bãi, xếp dỡ, giao nhận, vận tải và cung ứng; nghiệp vụ kế toán; lập và báo cáo tài chính, phân tích hoạt động logistics và vận tải đa phương thức. Tham mưu kế hoạch, thiết kế mạng lưới logistics; xây dựng qui trình khai thác, phát triển và quản trị chuỗi cung ứng,…

- Vị trí việc làm sau tốt nghiệp: Sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm việc tại các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải đa phương thức và dịch vụ vận tải, giao nhận, theo các chức danh: Cán bộ điều độ cảng; Nhân viên logistics; giao nhận; Chuyên viên bảo hiểm, phòng kế toán, phòng Tổ chức – Tiền lương. tại tất cả các doanh nghiệp và được học lên trình độ cao hơn.

16. Logistic

- Mô tả nghề

Logistic là nghề quản lý, vận hành chuỗi từ nhu cầu của khách hàng, thúc đẩy dòng lưu thông hàng hoá từ nhà cung cấp, nhà máy sản xuất, chế tạo, qua các kênh phân phối đến tay người tiêu dùng được thông suốt; giảm thiểu chi phí, gia tăng giá trị và độ hài lòng của khách hàng; từ đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngành Logistic trang bị cho người học đầy đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn và thái độ chuyên nghiệp về chuỗi cung ứng tại các doanh nghiệp.

- Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp: Đảm nhiệm những công việc sau: Nhân viên Kinh doanh; Điều phối; Chăm sóc khách hàng.

  Khi tích lũy đủ kinh nghiệm và kỹ năng, thì có thể đảm nhận các vị trí cao hơn trong ngành Logistic như: Phân tích viên ngành Logistic, Quản lý dự án, Điều hành hay Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế, tư vấn viên ….

Các tin khác