CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-CĐHHI ngày / /2017
của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải I)
Tên nghề: Sửa chữa máy tàu thủy
Mã nghề: 40510225
Trình độ đào tạo: Trung cấp
Hình thức đào tạo: Chính quy
Đối tượng tuyển sinh: Tốt nghiệp Trung học phổ thông và tương đương;
(Tốt nghiệp trung hoc cơ sở thì học thêm phần văn hóa phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Thời gian đào tạo: 1 năm
1. Mục tiêu đào tạo
1.1. Mục tiêu chung:
Chương trình đào tạo nghề Sửa chữa máy tàu thủy trình độ Trung cấp nhằm trang bị cho người học có đủ phẩm chất và năng lực nghề nghiệp đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của nghề Sửa chữa máy tàu thủy. Tạo khả năng ứng dụng và kỹ năng triển khai các công nghệ tiên tiến thuộc lĩnh vực Sửa chữa máy tàu thủy, áp dụng các công nghệ kỹ thuật sửa chữa để triển khai thực hiện các công việc của một công nhân kỹ thuật trong phân xưởng của các nhà máy đóng mới và sửa chữa máy tàu thủy.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
1.2.1. Kiến thức:
- Trình bày được về cấu tạo, nguyên lý, vật liệu, nêu tên, vai trò, điều kiện làm việc của những chi tiết trong hệ thống động lực tàu thủy một cách chính xác;
- Diễn giải được các bản vẽ, các yêu cầu kỹ thuật, các nội dung văn bản hướng dẫn một cách rõ ràng, đầy đủ;
- Nhận biết được tình trạng kỹ thuật của một số nhóm các chi tiết, cụm chi tiết của động cơ Diesel;
- Giải thích được một cách rõ ràng các nội dung các quy trình về tháo lắp, bảo dưỡng và sửa chữa, kiểm tra, điều chỉnh trong hệ thống động lực máy tàu thủy;
- Biết được các hư hỏng thường gặp của các chi tiết, cụm chi tiết trong động cơ Diesel tàu thủy và đề xuất các phương án sửa chữa hợp lý;
- Nhận biết được các nguyên nhân gây mất an toàn hoặc ô nhiễm và biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường trong nhà máy hay trên tàu trong quá trình sửa chữa.
1.2.2. Kỹ năng:
- Đọc được các bản vẽ chi tiết, bản vẽ lắp, bản vẽ bố trí và bản vẽ nguyên lý các hệ thống;
- Đọc được các chỉ dẫn và ký hiệu kỹ thuật trên bản vẽ bằng tiếng Anh;
- Sử dụng được các dụng cụ tháo lắp, dụng cụ kiểm tra, các dụng cụ hay vật dụng khác phù hợp, đáp ứng yêu cầu công việc;
- Sử dụng được các công cụ, thiết bị thích hợp để chế tạo các chi tiết đơn giản trong quá trình tháo lắp, sửa chữa;
- Tháo, bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa và lắp ráp được các chi tiết động cơ Diesel;
- Vận hành và thử được các thiết bị sau sửa chữa theo quy trình kỹ thuật, đáp ứng các yêu cầu của nhà chế tạo hoặc quy phạm;
- Đấu nối, vận hành, khai thác được các thiết bị điện trong động cơ Diesel;
- Lập được kế hoạch tổ chức sản xuất theo nhóm đáp ứng khối lượng, yêu cầu kỹ thuật và tiến độ công việc;
- Thiết lập được hồ sơ kỹ thuật, hồ sơ hoàn công phục vụ thanh quyết toán sau khi hoàn thành công việc được giao;
- Làm việc được trong các điều kiện căng thẳng và khó khăn;
- Làm việc được độc lập và làm việc được theo nhóm;
1.2.3. Thái độ và hành vi
- Đáp ứng được đầy đủ các kiến thức phổ thông về tự nhiên về văn hóa xã hội và
pháp luật, phục vụ cho cuộc sống, công việc, nghề nghiệp Sửa chữa máy tàu thủy và học tập nâng cao;
- Có ý thức trách nhiệm công dân, có thái độ và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn;
- Có ý thức kỷ luật và tác phong làm việc công nghiệp, sống lành mạnh phù hợp với phong tục tập quán và truyền thống văn hóa dân tộc
- Có ý thức học tập và rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn sẵn sàng đáp ứng công việc;
1. 3. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp trình độ Trung cấp nghề “Sửa chữa máy tàu thủy” sinh viên sẽ làm việc tại các vị trí sau:
- Làm kỹ thuật viên tại các tổ sản xuất ở phân xưởng các nhà máy sửa chữa và đóng mới tàu thủy
- Thợ tháo, bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa và lắp ráp động cơ Diesel. Lắp đặt được các thiết bị của hệ thống động lực tàu thủy trong các nhà máy, xí nghiệp đóng mới và sửa chữa, các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài tại Việt Nam;
- Bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị máy móc trên các tàu thủy của các công ty vận tải thủy Việt Nam và của nước ngoài;
- Vận hành các máy, tổ hợp và các hệ thống động lực tàu thủy mà bộ phận máy tàu đảm nhiệm trên tàu thủy thuộc các công ty vận tải thủy Việt Nam và công ty vận tải biển nước ngoài;
2. Khối lượng kiến thức và thời gian khóa học
- Số lượng môn học, mô đun: 38
- Khối lượng kiến thức, kỹ năng toàn khóa: 1189 giờ